Đại diện WildAct - Tiến sĩ Trang Nguyễn chia sẻ về chủ đề Kết nối Con người & Hành tinh tại Hội nghị Thanh niên khu vực về Động vật Hoang dã thế giới tại Singapore
Ngày Động vật hoang dã Thế giới diễn ra vào ngày 03/03 hàng năm để tôn vinh sự đa dạng sinh học trên toàn thế giới và đồng thời kỷ niệm lễ ký kết đầu tiên của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) vào ngày 03/03/1973. Hưởng ứng sự kiện này, Hội nghị chuyên đề thanh niên khu vực về Ngày Động vật hoang dã Thế giới được National Parks Board Singapore (NParks) tổ chức nhằm nâng cao tầm quan trọng của đa dạng sinh học khu vực Đông Nam Á. Sự kiện này được tổ chức bởi các bạn trẻ trong chương trình Thanh niên vì thiên nhiên của NParks, dành cho hơn 300 bạn trẻ có đam mê nghiên cứu về lĩnh vực đa dạng sinh học và bảo tồn động vật hoang dã đến từ khắp Đông Nam Á.
Hội nghị chuyên đề thanh niên khu vực về Ngày Động vật hoang dã Thế giới 2024 được tổ chức tại Singapore vào ngày 24 và 25 tháng 2 năm 2024. Chương trình kéo dài 02 ngày với sự tham gia của các diễn giả chuyên nghiệp và có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực góp mặt trong các cuộc thảo luận nhóm, hoạt động nhóm tập trung, hội thảo và triển lãm các dự án đáng chú ý do thanh niên khởi xướng ở Đông Nam Á.
Với chủ đề toàn cầu của WWD 24 “Kết nối con người và hành tinh: Khám phá đổi mới kỹ thuật số trong bảo tồn động vật hoang dã” do CITES công bố, Tiến sĩ Trang Nguyễn đã có bài phát biểu chia sẻ tại phần 2 của Hội nghị với chủ đề “Kết nối con người và hành tinh” từ những chia sẻ sâu sắc của mình về những hoạt động thúc đẩy cộng đồng tham gia bảo tồn.
Một trong những ví dụ thú vị mà Tiến sĩ Trang Nguyễn đề cập tới là việc xây dựng các Nhóm Cộng đồng Bảo tồn. Người H'mong là một nhóm bản địa ở khu vực Đông và Đông Nam Á. WildAct đã hợp tác chặt chẽ với nhóm dân tộc thiểu số này ở tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam để thực hiện bảo tồn trên thực địa.
Người dân địa phương sinh sống ở các khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao thường phải dựa vào các hệ sinh thái này để kiếm sống. Từ đó, WildAct kết hợp cùng Vườn quốc gia Chư Yang Sin thành lập Tổ Cộng đồng Tuần tra bảo vệ rừng người H’Mông (CCT) để họ cùng cộng đồng địa phương lên kế hoạch và thực hiện tuần tra bảo vệ rừng hàng tháng. Bên cạnh đó, WildAct cũng chú trọng tập huấn nâng cao năng lực cho Tổ CCT để họ có những thông tin và kỹ năng cần thiết phục vụ cho công tác bảo vệ rừng, bảo vệ sinh cảnh Chư Yang Sin.
Tiến sĩ Trang Nguyễn còn chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm trong việc thúc đẩy và trao quyền cho cộng đồng tham gia bảo tồn như truyền cảm hứng cho Cộng đồng người Công giáo tỉnh Ninh Bình để họ cùng chung tay bảo vệ chim di cư; Cung cấp các khóa tập huấn cho các nhà bảo tồn trẻ tại Việt Nam; Thúc đẩy và hỗ trợ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực bảo tồn;…
“Trang thực sự truyền cảm hứng, đặc biệt là đối với chúng tôi, những phụ nữ trẻ cũng đang thực hiện công tác bảo tồn.”, một trong những đại diện của Isyo Hill Eco-Tourism tại Indonesia / Papua New Guinea bày tỏ.
WildAct tin rằng theo thời gian, mọi người sẽ nhận thức rõ hơn về giá trị của những nỗ lực bảo tồn. Đặc biệt như Tiến sĩ Sonja Luz - CEO của Mandai Nature phát biểu trong lễ khai mạc “Những gương mặt trẻ tham gia hội nghị ngày hôm nay thực sự cho tôi hy vọng về điều gì đó chúng ta có thể làm cho động vật hoang dã!”, sẽ ngày càng có nhiều người thuộc thế hệ trẻ quan tâm đến vấn đề này và có những đóng góp thực sự cho bảo tồn.
Dựa theo chủ đề chung, mục tiêu của hội nghị chuyên đề năm nay cũng bao gồm:
Phát triển mạng lưới bảo tồn thanh thiếu niên ở Đông Nam Á;
Kết nối giới trẻ Đông Nam Á với những cố vấn hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã;
Nâng cao nhận thức quốc tế về các hoạt động đổi mới nhằm bảo tồn thiên nhiên ở Đông Nam Á;
Làm nổi bật việc sử dụng sáng tạo và mới lạ các giải pháp và công nghệ kỹ thuật số để giám sát và bảo vệ động vật hoang dã;
Khuyến khích quản lý môi trường, bảo vệ thiên nhiên cho thế hệ tương lai.