Phát hiện động vật hoang dã Vườn Quốc Gia Chư Yang Sin bằng bẫy máy ảnh

Vào cuối tháng 3 vừa qua, Tổ Cộng đồng Tuần tra Bảo vệ rừng - CCT đã có một chuyến tuần tra khoảng 50km rừng và thu về được bẫy ảnh từ các chuyến đi trước đây. Từ dữ liệu thu được trong các bẫy máy ảnh tại một số khu vực chiến lược, Đội CCT đã ghi nhận được sự xuất hiện của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm trong Vườn quốc gia Chư Yang Sin.

Tổ Cộng đồng Tuần tra Bảo vệ rừng - CCT đang kiểm tra dữ liệu hình ảnh từ các chuyến đi trước đó.

Bố trí bẫy máy ảnh

Để thu được ảnh có thông tin đẹp, khu vực lắp đặt bẫy ảnh cần phải có không gian thoáng đãng, thoáng cây, tầm nhìn từ bẫy ảnh đến điểm lấy ảnh không bị che khuất. Đặc biệt, khu vực lắp đặt bẫy ảnh sẽ phải là một khu vực nghi vấn có độ đa dạng sinh học cao, hoặc những nơi có dấu vết động vật hoang dã đi qua để đảm bảo khả năng cao nhất bẫy ảnh bắt được khoảnh khắc có động vật hoang dã đi qua. Tất cả những yếu tố này cũng cần được cân đối so với các mục tiêu và phương pháp nghiên cứu của dự án đang thực hiện để đảm bảo lựa chọn được khu vực bố trí hợp lý nhất.

Tổ Cộng đồng Tuần tra Bảo vệ rừng lắp đặt bẫy máy ảnh.

Không chỉ dừng lại ở việc lựa chọn vị trí, độ cao đặt bẫy ảnh cũng là một yếu tố quan trọng mà chúng ta không nên xem nhẹ. Thông thường, độ cao thích hợp để lắp đặt bẫy ảnh là ngang thắt lưng người lắp đặt. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mục tiêu muốn khảo sát, chúng ta có thể điều chỉnh bẫy ảnh ở độ cao thích hợp tương ứng với từng mục tiêu.

Đội CCT đang kiểm tra vị trí lắp đặt bẫy máy ảnh.

Thời điểm thu thập ảnh cũng là một yếu tố chúng ta cần cân nhắc bởi thời gian lấy ảnh phụ thuộc vào các yếu tố như khoảng cách tuần tra, kinh phí tuần tra và dung lượng lưu trữ của máy. Đối với những loại bẫy ảnh có dung lượng lưu trữ thấp, thời gian lấy ảnh nên là khoảng hai tháng một lần. Tuy nhiên, thời gian lấy ảnh chuẩn nhất vẫn phải phụ thuộc nhiều vào điều kiện cụ thể của nơi đặt bẫy và ngân sách được dành cho việc thu thập.  

Ghi nhận dấu vết của các loài động vật quý hiếm trong Vườn quốc gia Chư Yang Sin

Trong chuyến đi tuần tra rừng vừa rồi, Tổ Cộng đồng Tuần tra Bảo vệ rừng CCT đã thu được hình ảnh của một số loài như cheo cheo nam dương (lesser mouse deer), khỉ đuôi lợn (Northern Pig - tailed macaque), cùng một số hình ảnh chuột rừng. Đây là một trong những bằng chứng rõ ràng về sự hiện diện của các loài động vật quý hiếm trong Vườn quốc gia Chư Yang Sin.

Ghi nhận dấu vết của các loài động vật quý hiếm trong Vườn quốc gia Chư Yang Sin

Kết quả thu được từ việc lắp đặt bẫy ảnh tại Vườn đã mang lại những phát hiện đáng chú ý về sự xuất hiện của động vật hoang dã trong khu vực Vườn quốc gia Chư Yang Sin. Tuy nhiên, việc dựa vào những tấm ảnh này để kết luận về sự đa dạng sinh học của vườn quốc gia là chưa đủ cơ sở chứng minh. Để có một cái nhìn toàn diện và chính xác hơn về sự phong phú của sinh học tại vườn quốc gia Chư Yang Sin, chúng ta cần có những nghiên cứu sâu hơn và những bằng chứng khoa học khác.

 

Trong quá trình tuần tra rừng, ngoài thu được dẫu vết loài từ bẫy ảnh, nhóm CCT đã ghi nhận nhiều dấu vết phân của loài có móng guốc, linh trưởng, chim và gần đây nhất là phát hiện thêm dấu vết da rắn. Nhóm CCT hy vọng rằng, việc tháo dỡ các loại bẫy thú trong thời gian qua sẽ phần nào đóng góp vào nỗ lực bảo vệ các loài động vật hoang dã khỏi nguy cơ săn bắt trái phép tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin. 

Về số liệu cụ thể, vui lòng theo dõi các bản tin hàng Quý của chúng tôi!