Hội thảo “Bạo lực giới trong ngành bảo tồn” - Tiếng gọi cho sự bình đẳng trong môi trường làm việc
Hội thảo “Bạo lực giới trong ngành bảo tồn” - Tiếng gọi cho sự bình đẳng trong môi trường làm việc" - chia sẻ của 1 đại biểu tham gia hội thảo.
Theo kết quả từ báo cáo giữa năm 2020 về thực trạng quấy rối tình dục trong ngành bảo tồn ở Việt Nam do WildAct - “Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã” thực hiện thì trong số 114 người tham gia khảo sát, có tới 82,5% cho biết họ đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi làm việc. Điều này có nghĩa là cứ 7 người được hỏi thì có 6 người bị quấy rối. Một con số kinh hoàng dấy lên tình trạng đáng báo động về vấn nạn quấy rối tình dục trong ngành bảo tồn tại Việt Nam. Quấy rối tình dục nơi làm việc là hành vi vi phạm pháp luật, được quy định theo Khoản 3, Điều 8 của Bộ luật Lao động năm 2019. Hành vi này cần được xã hội lên án mạnh mẽ để xây dựng một môi trường làm việc an toàn, bình đẳng và văn minh dành cho tất cả mọi người.
Cuối tuần vừa rồi, tôi vinh dự được trở thành một trong những đại biểu tham dự hội thảo “Bạo lực giới trong ngành bảo tồn và thảo luận giải pháp thúc đẩy môi trường làm việc bình đẳng”, do WildAct kết hợp cùng với Tổ chức Care Quốc Tế tại Việt Nam dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thực hiện. Không chỉ mang đến những kiến thức có giá trị về quấy rối tình dục từ nhận diện, phân loại cho đến cách ứng phó, buổi hội thảo còn tạo ra một không gian an toàn và cởi mở để chính người tham gia có thể đóng góp ý kiến vào "Hướng dẫn an toàn - Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc", một mắt xích quan trọng nằm trong khuôn khổ dự án “Trao quyền cho phụ nữ ngành bảo tồn”. Với nội dung được xây dựng dựa trên tình huống thực tế, đây là cơ hội để tôi hiểu thêm về những đặc thù trong ngành bảo tồn - điều có thể khiến nguy cơ bị quấy rối tình dục của của những nhân sự trong ngành trở nên nguy hiểm hơn.
“Quấy rối tình dục” là cụm từ có lẽ ai trong số chúng ta cũng đã từng nghe tới ít nhất một lần ở đâu đó rồi. Nhưng tôi tin rằng để nhận diện, phân loại và phản ứng đúng đắn đối với các hành vi quấy rối thì không phải ai cũng biết. Một trong những điều khiến tôi bất ngờ nhất tại buổi hội thảo đó là khái niệm “quấy rối tình dục bằng lời nói”. Hiểu đơn giản thì đó là việc kể truyện cười mang tính chất tình dục hoặc nhận xét về trang phục hay cơ thể của ai đó mà không nhận được sự đồng thuận. Ví dụ: Dạo này trông ngon nghẻ quá nhỉ?, v.v. Bản thân tôi đã từng chứng kiến tương đối nhiều những cuộc trò chuyện kiểu như vậy, nhưng do thiếu kiến thức nên tôi lại nghĩ rằng đó chỉ là sự đùa vui mà xem nhẹ hậu quả. Thực tế chỉ ra rằng, hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nạn nhân chẳng thua kém gì các hình thức quấy rối tình dục khác. Nạn nhân có thể mắc các triệu chứng như trầm cảm, lo lắng và suy giảm chỉ số sức khỏe tâm thần. Ngay trong hôm đó, tôi đã nhắc nhở mình cần phải thay đổi ngay suy nghĩ của bản thân và lên án những trường hợp quấy rối tình dục mà tôi gặp, đặc biệt là bằng lời nói.
Buổi hội thảo đã diễn ra trong không khí đầy cởi mở. Chúng tôi chia sẻ dựa trên nguyên tắc tin tưởng, chân thành và tôn trọng lẫn nhau. Vì vậy mà tôi may mắn được lắng nghe nhiều câu chuyện xúc động từ chính trải nghiệm cá nhân của người tham gia. Chúng giúp tôi thấu hiểu những khó khăn mà toàn thể cán bộ nói chung và phụ nữ nói riêng đang công tác trong ngành bảo tồn phải đối mặt. Do tính đặc thù công việc nên mỗi chuyến đi thực địa chỉ có một hoặc hai nữ cán bộ tham gia, còn lại đều là nam với số lượng áp đảo. Thêm vào đó, điều kiện sinh hoạt trong rừng vừa thiếu thốn lại vừa tách biệt với thế giới bên ngoài càng làm gia tăng nguy cơ bị quấy rối tình dục. Không chỉ vậy, việc tiếp xúc với bia rượu khi đến các thôn bản cũng là một trong những nguyên nhân để cho kẻ xấu dễ dàng lợi dụng và thực hiện âm mưu quấy rối tình dục của mình. Không ít nạn nhân đã rơi vào tình trạng sang chấn tâm lý sau khi bị quấy rối và thậm chí phải từ bỏ công việc bảo tồn yêu thích khi tuổi đời còn đang trẻ.
Nhận thức rõ hậu quả nặng nề do hành vi quấy rối tình dục gây ra, trong phiên thảo luận buổi chiều chúng tôi đã cùng nhau đóng góp ý kiến để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử nơi làm việc. Bộ quy tắc hướng dẫn việc triển khai trên thực tiễn những quy định của Bộ luật lao động và các văn bản có liên quan về việc phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, đồng thời đưa ra khuyến nghị trong việc xây dựng, ban hành, thi hành và giám sát thực hiện tại các cơ quan, tổ chức ngành bảo tồn. Chúng tôi mong muốn các cơ quan, tổ chức bảo tồn sẽ lồng ghép nội dung của bộ quy tắc vào nội quy, quy chế làm việc của đơn vị. Bên cạnh đó, phía ban tổ chức WildAct cũng đã nhân dịp này giới thiệu đến các đại biểu “Mạng lưới nhà bảo tồn vì môi trường làm việc bình đẳng” với các mục tiêu chính bao gồm: Tạo cầu nối giữa những cán bộ trong ngành bảo tồn tự nhiên; mở ra một không gian an toàn, thân thiện, nơi mà mọi người có thể tự do chia sẻ những suy nghĩ, câu chuyện của mình về các khía cạnh trong công việc bảo tồn nhằm xây dựng một môi trường làm việc an toàn, bình đẳng.
Cá nhân tôi đánh giá cao tính chuyên môn của sự kiện lần này và sự chuyên nghiệp của ban tổ chức từ khâu thiết kế chương trình cho đến khâu điều phối. Thay vì phải ngồi nghe chuyên gia giảng giải hàng giờ kiến thức thụ động như ở các buổi hội thảo khác mà tôi từng tham dự, ở đây, phần lớn thời lượng chương trình chúng tôi được làm việc nhóm với nhau qua các hoạt động sôi nổi và từ đó rút ra bài học cho mình. Điều này không những làm cho buổi hội thảo trở nên thú vị hơn mà còn tạo được sự kết nối giữa các đại biểu. Bên cạnh đó, thông điệp “bền vững” được truyền đạt xuyên suốt sự kiện, khi các sản phẩm nhựa dùng một lần không hề xuất hiện ở hội thảo, bữa trưa và giờ nghỉ giải lao hoàn toàn được chuẩn bị từ thực phẩm chay (rất ngon nhé!).
Kết thúc buổi hội thảo, mọi người cùng nhau lên sân khấu chụp hình kỷ niệm và đồng thanh hô vang khẩu hiệu “Vì môi trường làm việc bình đẳng, quyết tâm!”. Thấy ai cũng hừng hực tràn đầy khí thế sẵn sàng hành động, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Dẫu biết rằng công cuộc chống lại vấn nạn quấy rối tình dục vẫn đang còn nhiều thử thách cam go ở phía trước. Song, bằng sự chung sức của toàn thể cộng đồng, tôi tin rằng chúng ta sẽ đẩy lùi được nó và cùng nhau tiến tới một môi trường bình đẳng trong ngành bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam vào một ngày không xa.
Để tìm hiểu thêm về dự án này, vui lòng liên hệ:
Cán bộ dự án: thanh.nga@wildact-vn.org