GENDER-BASED VIOLENCE IN CONSERVATION: FROM MANAGERS' PERSPECTIVE

Posted on 04.07.2023 | Tag: Capacity and Governance

Ngành bảo tồn là lĩnh vực mà đa phần người tham gia và đóng vai trò quyết định là nam giới. Nghiên cứu chứng minh rằng các nhà khoa học nữ có nhiều khả năng từ chức hơn phụ nữ trong các ngành nghề khác, đặc biệt là khi họ làm việc trong một môi trường làm việc không công bằng và không an toàn. Vấn đề bạo lực giới (BLG) và quấy rối tình dục (QRTD) trong công tác bảo tồn đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực và là rào cản trong những nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học. 

Là một tổ chức chuyên nghiệp, WildAct không thể khuyến khích phụ nữ tham gia bảo tồn đa dạng sinh học nếu môi trường làm việc của họ không an toàn. Chính vì vậy, dự án “Trao Quyền Cho Phụ Nữ Ngành Bảo Tồn” ra đời với nỗ lực thúc đẩy một môi trường làm việc an toàn cho các nhà bảo tồn tại Việt Nam. Thông qua một loạt các hội thảo và hoạt động được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), chúng tôi nỗ lực cung cấp các kiến thức về nhận diện và ứng phó với QRTD tại nơi làm việc và khuyến khích các nhà bảo tồn tham gia thảo luận giải pháp và đóng góp ý kiến nhằm tạo nên một môi trường bình đẳng hơn.

Tiếp nối hội thảo của tháng 4/2021 (“Gender-based violence in the wildlife conservation sector” workshop – A call for an equitable world of work), tháng 7/2021, chúng tôi tổ chức hội thảo thứ hai về: “Bạo lực giới trong ngành bảo tồn – từ góc độ quản lý”, với sự hợp tác chuyên môn cùng Trung Tâm Nghiên Cứu Và Ứng Dụng Khoa Học Về Giới – Gia đình – Phụ Nữ Và Vị Thành Niên (CSAGA), tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Hội thảo được tổ chức online qua nền tảng zoom với sự tham gia của 30 nhà quản lý/lãnh đạo đến từ 10 tỉnh thành/thành phố, đại diện cho 18 cơ quan/tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam. Hội thảo mang đến những kiến thức cơ bản gồm định nghĩa, phân loại, nhận diện và ứng phó với BLG nói chung và QRTD nói riêng, đồng thời tạo ra một không gian an toàn và cởi mở để các đại biểu phân tích và thảo luận giải pháp (từ góc nhìn của nhà quản lý) nhằm giải quyết các vấn đề BLG và QRTD tại nơi làm việc. WildAct cũng đã nhân dịp này giới thiệu đến các nhà quản lý/lãnh đạo về hệ thống “Địa chỉ tin cậy” và “Mạng lưới nhà bảo tồn vì môi trường làm việc bình đẳng” với các mục tiêu chính bao gồm: Tạo cầu nối giữa những cán bộ trong ngành bảo tồn tự nhiên; mở ra một môi trường làm việc an toàn, thân thiện, bình đẳng.

Tại hội thảo này, các đại biểu đều đồng ý cho rằng việc giảm thiểu BLG và phòng chống QRTD là vô cùng quan trọng và cần thiết tại mỗi cơ quan. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu những ảnh hưởng xấu đến chất lượng công việc và tâm lý của nhân viên. Ngoài ra, khi các cơ quan/tổ chức thể hiện sự quan tâm và chú trọng đến việc ngăn ngừa và giảm thiểu BLG và QRTD sẽ tạo được uy tín và sự an tâm cho các đối tác trong khi hợp tác làm việc. Thông qua các phiên thảo luận, chúng tôi khuyến khích đại biểu cùng xây dựng nên một Quy trình xử lý QRTD tại nơi làm việc mẫu phù hợp với đặc thù của một cơ quan trong ngành bảo tồn. Kết quả là các đại biểu đã xây dựng nên 3 bản quy trình nháp cho 3 loại hình cơ quan bảo tồn tại Việt Nam, bao gồm: nhóm các Tổ chức phi chính phủ, nhóm Khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia; nhóm Viện nghiên cứu và cơ quan nhà nước. Kết thúc hội thảo, 43% đại biểu đăng ký tham gia thí điểm Sổ tay "Hướng dẫn an toàn - Bộ quy tắc ứng xử phòng chống QRTD tại nơi làm việc" và 64% đại biểu mong muốn tham gia phát triển và duy trì mạng lười “Địa chỉ tin cậy”, vốn là những hoạt động quan trọng được chính cán bộ/nhân viên của họ rất ủng hộ và mong chờ (phản ánh qua Hội thảo đầu tiên).

Đối với các cơ quan tổ chức chưa có những quy định, chính sách hay biện pháp cụ thể để giảm thiều BLG và phòng chống QRTD tại nơi làm việc, thì càng cần phải thực hiện quyết liệt, không né tránh và đưa vấn đề loại trừ hành vi QRTD ra khỏi nơi làm việc thành tôn chỉ của mỗi cơ quan, đơn vị. Chúng tôi mong đợi các cơ quan/tổ chức bảo tồn tại Việt Nam sẽ cùng cam kết thúc đẩy việc giảm thiểu BLG và phòng chống QRTD tại nơi làm việc nhằm mở ra một môi trường làm việc an toàn và bình đẳng cho tất cả các nhà bảo tồn đang làm việc tại Việt Nam. 

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về báo cáo hoặc chương trình của chúng tôi về quyền phụ nữ trong ngành bảo tồn, hoặc nếu bạn muốn đóng góp để hỗ trợ WildAct, hãy liên hệ: info@wildact-vn.org