Dự án thư viện hoang dã

Giới thiệu

Việt Nam có 20 vườn quốc gia và 14 khu bảo tồn thiên nhiên, đây là nơi cư trú của rất nhiều loài đặc hữu nguy cấp và cực kỳ nguy cấp. Tình trạng sử dụng bẫy dây nhằm săn bắt trái phép là mối đe dọa rất lớn tới các loài ĐVHD ở các khu vực này. Đây là những vùng xa xôi, khó tiếp cận và thiếu nguồn nhân lực. Trẻ em sinh sống ở đây chưa có nhiều cơ hội tiếp cận bên trong các khu bảo tồn. Các trường học địa phương thường nhỏ, không có thư viện. Do vậy, trẻ em không có cơ hội đọc sách và tìm hiểu về thế giới tự nhiên. Hơn nữa, hệ thống giáo dục ở Việt Nam đang thiếu các môn học liên quan đến tự nhiên và môi trường, điều này đã dẫn đến sự mất kết nối giữa con người, thế giới tự nhiên và công tác bảo tồn.

Để giải quyết vấn đề này và đóng góp vào nỗ lực bảo tồn quốc gia, dự án hướng tới:

  • Cung cấp các thông tin về bảo tồn trong nước và quốc tế nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo tồn địa phương, đặc biệt với các cộng đồng gần khu bảo tồn;

  • Giáo dục trẻ em Việt Nam về thiên nhiên hoang dã, và những điều nên làm để bảo vệ môi trường;

  • Trao quyền cho cộng đồng địa phương quản lý tài nguyên của chính mình.

Mục đích

  • Xây dựng năng lực bảo tồn trong tương lai bằng cách cung cấp kiến thức về bảo tồn ĐVHD ở Việt Nam, đồng thời tạo thói quen đọc cho trẻ em để phát triển các kĩ năng xã hội;

  • Cung cấp sách, các tài liệu cập nhật, chất lượng về thiên nhiên và bảo tồn ĐVHD, hướng nghiệp và giáo dục về Giới ở các khu dự án;

  • Tạo cơ hội cho giáo viên tại vùng dự án tìm hiểu và nâng cao nhận thức của họ về công tác bảo tồn, từ đó thúc đẩy họ tham gia dự án, đảm bảo tính hiệu quả và bền vững.

  • Phối hợp với chi Cục Kiểm lâm và các trường đối tác tổ chức các chuyến thăm quan khu bảo tồn cho học sinh trải nghiệm và tìm hiểu về thế giới tự nhiên.

Mục tiêu

  • Mục tiêu 1: Thành lập thư viện, cung cấp sách về môi trường, thiên nhiên và bảo tồn ĐVHD nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn cho học sinh tại các trường học;

  • Mục tiêu 2: Giảm số lượng bẫy dây ở các khu bảo tồn đồng thời trao quyền cho các trường học quản lý các hoạt động giáo dục bảo tồn.

Thành tựu nổi bật (2018 - 2022)

  • Thành lập và phát triển 10 thư viện hoang dã ở 7 tỉnh, thành phố;

  • Tổ chức 15 triển lãm bảo vệ ĐVHD nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo tồn địa phương;

  • Trao tặng 1,328 đầu sách về ĐVHD, sinh học, môi trường, hướng nghiệp và bình đẳng giới;

  • Nâng cao nhận thức cho hơn 35,000 trẻ em về vai trò của các em trong việc bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam;

Xem thêm về kết quả của dự án Thư viện hoang dã giai đoạn 2018 - 2022 tại ĐÂY